Hãy mang điều bạn tin tưởng trở thành một hạt giống tốt đi gieo mầm yêu thương. Hãy để thương hiệu bản thân bạn là một điều tốt khi người khác nhắc về. Vậy thì mới xứng đáng để theo đuổi cả cuộc đời. Chúng ta không thể chỉ nghĩ đến tiền, đến lợi nhuận, đến nhà đến xe. Chúng ta đang đóng góp và sẽ đóng góp gì cho cuộc đời này. Đó là điều bạn cần nghĩ để quyết định ngồi xuống viết về tầm nhìn và sứ mệnh của bản thân trước khi lập kế hoạch xây dựng thương hiệu cá nhân.
Mình hay nghe người ta nói: “Người đó mê thương hiệu, người ta chạy theo thương hiệu…”
Vậy thương hiệu là cái gì ghê gớm vậy?
Thương hiệu cá nhân có bào ra ăn được không hay bản chất chỉ là để làm màu làm mè?
Thương hiệu – hiểu cho đúng!
Là một khái niệm trong ngành Marketing hiện đại. Đặc biệt là trong 30 năm vừa qua. Có rất nhiều người đã định nghĩa khác nhau về thương hiệu. Một cách định nghĩa phổ quát, thì #THƯƠNGHIỆU “tổng hợp tất cả những ấn tượng, niềm tin và tri giác mà con người ta có về một sự vật, hiện tượng”. Vậy, cái người ta nói về, cái người ta nghĩ về, cái người ta hiểu về, cái người ta tin về chính ta. Đó là thương hiệu của ta. Ta ở đây có thể là người, là sự vật, là địa phương, là sản phẩm, là hàng hóa, hay dịch vụ… Đấy là cách hiểu về thương hiệu một cách đơn giản, dễ hiểu, không học thuật.
Ta biết về sản phẩm Coca, Pepsi, Xá xị Chương Dương, nước ngọt Tân Hiệp Phát và nhận diện rõ từng sản phẩm. Hoặc đôi khi lướt qua ta đã nhận ra. Đó là ấn tượng về thương hiệu. Ta tin rằng sầu riêng Cái Mơn sẽ ngon hơn sầu riêng trồng ở Đắc Lắc. Dù chưa có dịp ăn và so sánh cả hai ở cùng thời điểm. Ta tin rằng Chiếc Mecedes của Đức thể nào cũng cứng hơn chiếc Toyota, dù suốt đời toàn đi xe máy, book grab thì toàn gặp i10 Huyndai. Ta tin rằng một ly rượu vang nho xứ Boudeux thể nào cũng ngon hơn vang nho Ninh Thuận. Áo quần thì made in Vietnam phải nhất định hơn hàng Quảng Châu rồi. Đó là niềm tin về thương hiệu. Chưa kể, niềm tin ấy đầy định kiến, đầy những mơ hồ xầm xì. Nhưng niềm tin đấy do người tiêu dùng quyết định, không phải do người sản xuất.
Vậy những điểm mấu chốt này, có giúp bạn nảy ra sáng kiến gì không?
Phải, ta “đánh lừa” người dùng trên phương diện số đông, bằng việc nói tốt, làm tốt về mình. Để giúp cộng đồng hạn chế định kiến (nghĩ xấu về ta) bằng việc xây dựng niềm tin (nghĩ tốt về ta). Đó đích thị là xây dựng thương hiệu mà thôi.
Đối với một con người. Không ngoại lệ. Người khác cũng đang xì xầm về ta, đang bàn tán về ta, đang tán dương ta, đang cảm xúc tốt đẹp hay căm ghét ta. Chính sự tổng hòa ấy làm nên thương hiệu của ta vậy. Thử hỏi, bạn có tạo nghiệp gì không mà chúng ghét đến vậy? Hay vì sao ra đường cũng có người thương, cũng có người giúp đỡ, cũng có người mời cafe ăn sáng? Khi cần thì anh em 500 người đứng xung quanh dang tay nghĩa hiệp? Không phải do nghiệp ta tạo ra thì do cái gì? Không phải do thương hiệu ta làm nên thì do cái gì?
Xây dựng thương hiệu cá nhân – Personal Branding
“tổng hợp tất cả những ấn tượng, niềm tin và tri giác mà con người ta có về ta làm nên thương hiệu của ta”
Thật vậy, tích cực làm việc từ thiện, tình nguyện mọi người sẽ nghĩ rằng mình không bao giờ làm gì hỗ thẹn lương tâm. Chung quy lại là mình rất thiện lành. Tuy vậy, bản thân mình một năm phải tham gia hơn chục chương trình thiện nguyện, trong đầu vẫn thường xuyên xuất hiện suy nghĩ xấu, cũng có đủ ganh ghét, vui buồn, tị nạn, hơn thua. Mình nhìn rõ và đang sửa đổi từ từ.
Nếu mình đi xe hơi sang xịn, mọi người nghĩ lúc nào trong túi cũng có dăm ba chục triệu. Đi Vios người ta sẽ nghĩ mình chạy dịch vụ thôi, chắc đang nợ ngân hàng.
Nếu mình đi du học bên Mỹ về, thể nào mọi người cũng nghĩ nó trong đầu đầy ý tưởng kinh doanh, nó sống cực kì thực tế. Chắc chắc nó xịn hơn thằng học đại học quốc gia ở xứ mình.
Nếu mình mặc vest mà lỡ đi xe dream cùi, trong đầu mọi người sẽ nghĩ ngay là nó bán đa cấp chứ không đâu.
Không có cách nào khác, “muốn nó sưng dậy, mình phải xây dựng”
Cách người khác nhìn vào để đánh giá bạn, chính là niềm tin bạn gửi trao cho họ.
Bởi lẽ đó, ánh nhìn đầu tiên rất quan trọng. Vâng, mình đang nói tới bề ngoài. Chứ ánh nhìn đầu tiên không thể phản ánh được năng lực, hay tính cách? Bạn muốn người khác nhìn mình và đánh giá mình ở góc độ nào?
Xác tín tầm nhìn, sứ mệnh của bản thân.
Nghĩa là bạn cần chắc chắc rằng bạn sẽ theo đuổi con đường nào, phụng sự cho giá trị gì, bạn đi đến đâu và bạn là ai trong cuộc đời này! Bạn không thể xây dựng một tòa nhà mà không có một bản vẽ. Thậm chí nhà cấp 4 cũng cần một bản vẽ để biết rõ mình sẽ chọn nguyên liệu gì, tốn bao nhiêu nhân công, xây trong bao lâu cho phù hợp. Tất nhiên để xác tín tầm nhìn sứ mệnh, bạn cần thật hiểu rõ định nghĩa và cách làm nó như thế nào. Nếu có duyên, Thái Khoa có thể gặp gỡ và dành thời gian để giúp đỡ bạn trong một buổi chia sẻ nào đấy.
Nhất quán, liên tục, rõ ràng trong việc khẳng định giá trị bản thân.
Trên đây là 3 nguyên tắc, bạn nên ghi chú nó như 3 keywork để thực thi việc đánh dấu ấn về bạn trong lòng mỗi người.
Bạn phải nói về một thứ gì đó “thật nhiều” thì mới mong chiếm được tâm trí của người khác. Mỗi ngày có hàng triệu nhà quảng cáo đang muốn tiêm “thông điệp” vào trong não của cộng đồng ngoài kia. Vậy thì việc chọn đúng 1 đến 2 “sứ điệp” – một thông điệp cao đẹp để chuyển tải đến cộng đồng xung quanh bạn là điều thật cần thiết để giúp bạn trở nên nhất quán. Bạn hãy dành thời gian xem mình hay có thói quen chia sẻ điều gì? Nếu nó không nhất quán thông điệp thì hãy chấm dứt ngay. Nếu bạn muốn mình là một Marketer chuyên nghiệp thì hãy viết và chia sẻ những thông tin về Marketing, xây dựng thương hiệu, về thiết kế thương hiệu, về kế hoạch, chiến lược truyền thông….
Nếu mất 21 ngày để duy trì một thói quen mới, bạn có thể thử 21 ngày để chia sẻ về lĩnh vực bạn đang theo đuổi, nhất định cộng đồng, bạn bè của bạn sẽ ngay lập tức inbox và hỏi han bạn về điều đó. Vì bạn đã ám ảnh tâm trí họ rồi.
Song, những thông điệp, giá trị bạn đưa ra đừng lan man. Đừng dài dòng. Đừng bán một thứ nhưng nói về một trăm thứ để chứng tỏ ta đây là nhà bán hàng chuyên nghiệp. Bạn có nhận ra là bạn mê ăn bún bò ở quán bún bò thôi, chứ không hề thích ăn ở quán có cả bún bò, phở, bánh canh và hủ tiếu không?
Gia tăng cộng đồng
Đã tốn công làm, thì làm cho lớn.
Ngoài việc tích lũy chất lượng của thông điệp và giá trị bạn trao cho cộng đồng để gia tăng hình ảnh thương hiệu, việc tăng trưởng số lượng cũng giúp bạn trở nên ảnh hưởng hơn. Điều này không cần bàn thêm.
Làm sao để gia tăng cộng đồng? Đây là một việc không phải ai cũng làm được. Không phải vì khó mà vì yếu tố thương hiệu cá nhân chưa đủ xác tín để người khác đi theo bạn. Điều này đòi hỏi lập kế hoạch rõ ràng với mục tiêu kèm theo.
Ngoài ra thì nhân duyên cũng là một trong những yếu tố quyết định cộng đồng của bạn có đủ lớn không. Bạn có thể không tin, nhưng Thái Khoa thì rất tin, vì bản thân mình không có mạng cầm quân. Thái Khoa đã từng cố gắng cho việc này nhưng luôn cảm giác mình chưa thuận duyên. Vậy hãy làm điều gì khiến bạn hết sức thoải mái bạn nhé.
Mấy lời kết.
Hãy mang điều bạn tin tưởng trở thành một hạt giống tốt đi gieo mầm yêu thương. Hãy để thương hiệu bản thân bạn là một điều tốt khi người khác nhắc về. Vậy thì mới xứng đáng để theo đuổi cả cuộc đời. Chúng ta không thể chỉ nghĩ đến tiền, đến lợi nhuận, đến nhà đến xe. Chúng ta đang đóng góp và sẽ đóng góp gì cho cuộc đời này. Đó là điều bạn cần nghĩ để quyết định ngồi xuống viết về tầm nhìn và sứ mệnh của bản thân trước khi lập kế hoạch xây dựng thương hiệu cá nhân.